Thị trường nhôm hệ Việt và tư duy ‘bóc ngắn cắn dài’

Thị trường nhôm hệ Việt “biến động”

Nhôm đang là vật liệu tăng giá mạnh nhất trong năm 2017. Tình hình này hoàn toàn dễ hiểu khi quốc gia đóng góp nhiều nhất vào sản lượng nhôm thế giới vừa áp dụng chính sách hạn chế sản lượng nhôm và thắt chặt quản lý môi trường.


Có thể thấy thị trường nhôm hệ Việt Nam chịu ảnh hưởng rõ rệt của đợt tăng giá nhôm này. Trong suốt thời gian từ 2014 – 2016, khi quá trình nhập khẩu vẫn còn “lỏng lẻo”, hàng loạt dòng nhôm hệ không rõ nguồn gốc chưa qua kiểm định chất lượng đã được nhập khẩu theo đường tiểu ngạch tràn lan vào thị trường Việt. Nhôm hệ Việt đã quá phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu do không cạnh tranh được về giá.

Cùng với đó, nhôm hệ sản xuất trong nước không được đánh giá cao do chưa có bất cứ chuẩn mực chất lượng nào cho thành phẩm, đồng thời hệ thống phân phối chưa được quản lý chặt chẽ và các dịch vụ dành cho khách hành còn bỏ ngỏ. Nhôm hệ Việt chưa chứng tỏ được “bản lĩnh” của mình và để mất thị phần vào tay nhôm nhập khẩu một cách đầy nuối tiếc.

Từ đầu năm 2017, việc các nhà sản xuất trong nước và các nhà phân phối nhôm hệ lao đao do nguồn cung thiếu hụt và giá nhôm liên tục tăng như phi mã càng chứng tỏ nhôm hệ Việt chưa có chỗ đứng vững chắc trên chính “sân nhà”. Điều này về lâu dài có thể khiến thị trường cửa nhôm trở nên mất kiểm soát và hỗn loạn nghiêm trọng nếu cứ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu.

Tại sao nhôm hệ Việt vẫn chưa đủ “tầm” để tự lực phát triển?

Hiện tại, việc phân phối nhôm hệ trong nước vẫn đang duy trì theo phương thức truyền thống. Các đại lý hầu hết đều là tự phát, tự mày mò sản xuất trong khi chất lượng thành phẩm cuối cùng lại phụ thuộc một phần không nhỏ vào tay nghề thợ. Chưa kể đến việc thiếu quy hoạch kênh phân phối dẫn đến cạnh tranh nội bộ, lấn vùng, tự “cắt máu” để bán phá giá khiến cho thị trường rơi vào cảnh “hỗn loạn”. Có thể thấy, các nhà sản xuất trong nước vẫn chưa ý thức được vai trò quan trọng của hệ thống phân phối.

Bên cạnh đó, nhà sản xuất nhôm hệ vẫn chưa đưa ra được các tiêu chuẩn nào cho một bộ cửa nhôm tốt, chưa chiếm được lòng tin của khách hàng về một sản phẩm chất lượng đi kèm với dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp. Sản phẩm chưa được đầu tư nghiên cứu sao phù hợp với nhu cầu và điều kiện khí hậu của người Việt Nam mà vẫn là những thiết kế cũ đã không còn phù hợp.

Một tiêu chí vô cùng quan trọng nữa mà chưa một nhà nhôm hệ Việt nào chú trọng thực hiện đó là xây dựng thương hiệu và truyền thông cho tên tuổi của mình. Ngày nay, câu chuyện về xây dựng thương hiệu không chỉ hiệu quả cho chính doanh nghiệp mà còn giúp cho hệ thống đại lý phân phối của mình nâng cao uy tín hơn trên thị trường, từ đó gián tiếp mở rộng thị trường và khách hàng, đem lại lợi ích kinh doanh bền vững cho đại lý.

Tư duy “bóc ngắn cắn dài” của các nhà sản xuất nhôm Việt như hiện nay khi chưa nghĩ đến đường lối phát triển bền vững cho mình và hệ thống phân phối thật sự rất đáng quan ngại vì có thể dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường. Trước tiên, người tiêu dùng sẽ phải đón nhận những sản phẩm kém chất lượng, không tương xứng với chi phí bỏ ra, ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng của các công trình xây dựng, nhất là nhà ở dành cho gia đình. Sau đó là những ảnh hưởng kéo theo cho cả ngành công nghiệp sản xuất nhôm Việt nếu cứ tiếp tục đi theo lối mòn truyền thống.

Trong bối cảnh tăng giá hiện nay, các nhà kinh tế lại nhận định rằng thời cơ cho nhôm trong nước giành lại thị phần đã đến. Hi vọng trong tương lai, các nhà sản xuất nhôm Việt sẽ dám nghĩ dám làm điều khác biệt, dám đầu tư bài bản để có thể đưa tới cơ hội lợi nhuận bền vững, đồng hành lâu dài cùng đại lý và mang tới cho người sử dụng những sản phẩm cửa nhôm chất lượng. Từ đó, nhôm Việt hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với các nhà sản xuất trong khu vực cũng như trên thế giới.

Nguồn: Vân Phương – Báo Xây Dựng

Các tin liên quan

Trả lời