Bạn biết vì sao cốp pha nhôm lại được các nhà thầu uy tín lựa chọn không?
Chắc chắn bạn sẽ cho rằng vì cốp pha nhôm thi công nhanh, tính thẫm mỹ cao.
Câu trả lời của bạn hoàn toàn đúng.
Theo quan điểm của mình nếu chỉ mang lại ít lợi ích như vậy thì cốp pha nhôm khó mà đạt được vị thế như hiện tại.
Vậy đâu là “nguyên căn”?
Bài viết này mình sẽ giúp bạn làm rõ vấn đề. Cụ thể, mình sẽ mang lại những thông tin như:
- Cốp pha nhôm là gì? Ra đời khi nào? Sản xuất từ đâu?
- Ưu nhược điểm thế nào?
- Có thể kết hợp với những loại hình ván khuôn nào khác không?
- Tình hình phát triển tại Việt Nam ra sao?
- Phải chăng xu thế phát triển của cốp pha nhôm đã không còn khởi sắc?
Nghe có vẻ tuyệt vời phải không? Chúng ta bắt đầu.
Cốp pha nhôm là gì?
Cốp pha nhôm (tiếng Anh Aluminum formwork) là một dạng ván khuôn mô đun đúc sẵn (modular formwork). Được sản xuất từ nguyên liệu chính là hợp kim nhôm. Có cường độ cao, đặc tính bền nhẹ, không gây dính bê tông.
Các mẫu nhôm được kết hợp lại thành một hệ thống dùng để định hình bê tông trong quá trình thi công xây dựng.
Cấu kiện có nhiều kích thước phù hợp với cấu trúc nhà cao tầng và các công trình có tính trùng lặp. Nhằm phát huy khả năng tái sử dụng nhiều lần, góp phần tối ưu hóa chi phí.
Ngôn ngữ tiếng Việt còn được gọi là coppha nhôm, coffa nhôm hoặc cốt pha nhôm.
Cốp pha nhôm ra đời khi nào?
Loại hình ván khuôn này được phát triển dựa trên Euro Form, một loại cốp pha dạng tấm bằng thép ra đời vào những năm 1960 tại Mỹ.
Cuối những năm 1970, một kỹ sư người Canada W.J Malone đã sáng chế ra các khuôn mẫu ván khuôn bằng nhôm thay cho thép.
Các mẫu nhôm riêng biệt lần đầu tiên được sử dụng để xây dựng các căn nhà ở giá rẻ ở các nước đang phát triển.
Cải tiến mới đã mang lại những hiệu quả thiết thực như giảm chi phí nhân công, đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình.
Nhờ đó cốp pha nhôm đã loạt vào “tầm ngắm” của một số công ty cung ứng giải pháp ván khuôn trên thế giới. Họ đầu tư nghiên cứu một cách nghiêm túc và đưa vào sản xuất đại trà.
Để hiểu hơn về quá trình phát triển này, bạn có thể tham khảo bài lịch sử ra đời cốp pha nhôm.
Hợp kim nhôm nào dùng để sản xuất ván khuôn nhôm?
Hợp kim nhôm là hợp kim của nhôm với các nguyên tố khác (như: đồng, thiếc, mangan, silic, magiê).
Các hợp nhôm kim được dùng trong chế tạo ván khuôn có 2 dòng phổ biến là 6061 và 6063. Do có khả năng đùn cao và tính linh hoạt.
Trong đó hợp kim 6061 được đánh giá cao hơn bởi độ bền cao, chống ăn mòn và có tính hàn tốt. Cốp pha nhôm đang phổ biến tại Việt Nam chủ yếu được sản xuất từ loại hợp kim này.
Xem chi tiết: Đặc tính hợp kim nhôm 6061 và các tiêu chuẩn thường sử dụng để kiểm định cốp pha nhôm.
Ưu điểm nổi bật của hệ cốp pha nhôm
Nhẹ, bền, tính linh hoạt cao chính là mấu chốt tạo nên sự ưu việt của Aluminum formwork systems.
Cụ thể ra sao, mình sẽ liệt kê cho bạn ngay bên dưới.
Khá nhẹ và linh hoạt
Tính trung bình 1 mét vuông nhôm chỉ vào khoảng 20 – 27 kg.
Với công nghệ sản xuất hiện đại, tấm nhôm giảm tối đa trọng lượng nhưng vẫn đảm bảo khả năng chịu tải cho phép.
Các cấu kiện được liên kết với nhau tạo nên hệ toàn khối chịu lực tốt, vững vàng và trọng lượng nhẹ.
Khả năng linh hoạt, dễ tháo lắp là lợi thế cạnh tranh đáng gờm của cốp pha nhôm.
Khi thi công công nhân chỉ việc lắp theo bản vẽ thiết kế và định vị trắc đạc.
Phụ kiện trong việc liên kết cấu kiện nhôm cũng được chế tạo theo yêu cầu dễ thi công, đảm bảo chịu lực.
Hệ giằng chống cũng được thiết kế khá đơn giản, bởi hệ chống đơn và giằng gia cố. Khả năng tinh chỉnh tương đối dễ dàng.
Không gian thi công hết sức thoáng đãng và sạch sẽ.
Ngoài ra, sử dụng cốp pha nhôm giúp giảm khá nhiều thời gian cho việc công nhân phải tự tính toán, cắt sửa như đối với các loại hình ván khuôn khác.
Khả năng nâng tầng nhanh chóng
Với hai lợi thế nói trên, thời gian thi công trung bình một sàn được rút ngắn đáng kể, chỉ còn 3 – 5 ngày.
Hệ chống được thiết kế 3 tầng chống. Sau 24 – 48 tiếng có thể tháo hệ nhôm theo trình tự vách, dầm, sàn và giữ lại hệ chống ở 2 tầng liền dưới.
Có thể nói việc giảm tiến độ dự án hoàn toàn trong khả năng kiểm soát. Theo khảo sát thời gian thi công bằng cốp pha nhôm có thể đẩy nhanh tiến độ dự án hơn 30%.
Khả năng tái sử dụng cao
Mỗi bộ nhôm có thể sử dụng hơn 100 lần, khoảng 2 – 3 công trình. Giảm chi phí đáng kể cho nhà thầu thi công.
Bởi do tiêu chuẩn thiết kế cốp pha nhôm cân nhắc khá kỹ vấn đề về tấm chuẩn, tấm có khả năng tận dụng.
Nên nếu được bảo dưỡng tốt, tháo lắp đúng kỹ thuật, tỉ lệ hư hỏng chỉ vào khoảng 5 – 10%. Và tăng dần cho lần tái sử dụng tiếp theo.
Một ưu thế nữa của ván khuôn nhôm là khả năng sai lệch kết cấu khá thấp, bề mặt bê tông sau thi công thẫm mỹ. Giảm đáng kể chi phí hoàn thiện công trình.
Mặt bê tông sử dụng cốp pha nhôm không cần tô trát như đối với ván khuôn truyền thống. Chỉ cần mài nhám và phun sơn để hoàn thiện.
Tuy nhiên, cốp pha nhôm vẫn tồn tại một số hạn chế. Tạo nên rào cản lớn cho các nhà thầu vừa và nhỏ.
Để mình giải thích rõ hơn cho bạn!
Nhược điểm của hệ cốp pha nhôm
- Giá cốp pha nhôm cao hơn hẳn các loại hình khác nên chí phí đầu tư ban đầu không hề nhỏ.
- Phạm vi ứng dụng còn hạn chế. Cho công trình cao tầng, công trình có thiết kế điển hình, trùng lặp lớn.
- Khó sửa chữa thay thế nếu thiết kế sai hoặc thay đổi phương án thiết kế.
- Đòi hỏi nhà thầu có đủ năng lực về quản lý, giám sát, kho bãi để tận dụng tối đa lợi ích từ cốp pha nhôm.
Chắc chắn bạn sẽ đồng ý với mình rằng:
…Nhờ những ưu điểm nổi bật trên mà ván khuôn nhôm được sử dụng phổ biến ở Việt Nam…
Nhưng hóa ra bao nhiêu đó lợi ích đã không thể tạo nên cục diện như bạn nghĩ.
Điểm mấu chốt, nằm ở nội dung tiếp theo của bài viết này.
Các hình thức ván khuôn kết hợp với hệ cốp pha nhôm
Bản thân hệ cốp pha nhôm đơn thuần tuy có nhiều ưu điểm vượt trội. Nhưng so với xu hướng phát triển không ngừng của công nghệ thi công, thì nó cũng trở nên lỗi thời nếu không được cải tiến.
Bên cạnh những bước tiến mới về kỹ thuật sản xuất, đáp ứng độ khó kiến trúc, thi công nhanh chóng, đảm bảo tính chính xác kết cấu. Thì khả năng kết hợp với các loại hình ván khuôn khác một cách linh hoạt là bước đi sáng suốt để đón đầu “dòng chảy” thị trường.
Dưới đây là một số hình thức kết hợp đã tạo nên thành công mới cho ván khuôn nhôm:
Hệ cốp pha leo gang form
Sử dụng các mảng thép lớn kết hợp với hệ khung làm sàn thao tác bao che và định hình mặt biên kết cấu công trình cao tầng là nhiệm vụ của gang form.
Bên trong lòng công trình đối diện với gang form thường là Euro form hoặc Aluminum form. Nhưng Aluminum form là thường thấy hơn cả.
Hệ thống ván khuôn được tạo nên từ gang form và cốp pha nhôm đã mang lại nhưng lợi thế đáng kể:
- Phát huy mọi ưu điểm của ván khuôn nhôm: Thi công nhanh chóng, chính xác.
- Gang form cho phép loại bỏ hoàn toàn hệ giàn giáo be che công trình.
- Đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện.
Chi tiết mời bạn đọc thêm các bài viết về “khái niệm, cấu tạo cơ bản, ưu nhược điểm và lưu ý của gang form“.
Hệ Climbing Systems
Có nhiều tên gọi khác nhau như climbing formwork, jumb form, sliding form hay cốp pha leo, cốp pha nhảy, cốp pha trượt. Ở đây mình gọi chung là climbing systems.
Climbing Systems là những hệ thống thay thế giàn giáo bao che và ván khuôn mặt biên hoặc bên trong lõi công trình có dạng khối đứng.
Hệ thống được vận hành bằng kích thủy lực hoặc cẩu tháp. Khi sử dụng climbing systems có thể có hoặc không dùng ván khuôn nhôm cho mặt biên.
Gang form cũng là dạng climbing system.
Mình nghĩ rằng series bài viết này sẽ cần thiết cho bạn khi muốn tìm hiểu về Climbing systems.
Hệ Beam Drop
Là một hệ thống giúp thay thế và hạn chế tối đa số lượng cây chống đơn. Được tạo nên từ các thanh giằng có vai trò nâng đỡ hệ cốp pha nhôm sàn.
Giúp thi công nhanh chóng, giảm tiếng ồn và đảm bảo an toàn lao động.
Công nghệ này được áp dụng rộng rãi ở Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên vẫn chưa ứng dụng tại Việt Nam do đặc thù kết cấu như chiều cao tầng, nhịp sàn.
Xem thêm: Thay thế hệ chống cốp pha nhôm bằng hệ beam drop
Sự kết hợp giữa ván khuôn nhôm và ván gỗ
Sử dụng vừa ván khuôn phủ phin và ván khuôn nhôm trong cùng một công trình có thể xem là chưa “bắt kịp” xu hướng phát triển. Nếu không nói sự kết hợp này là lạc hậu so với các loại hình kể trên.
Nhưng xét ở góc độ “chuyển mình” từ loại hình cốp pha truyền thống sang cốp pha nhôm thì đây là sự lựa chọn hoàn hảo.
Theo khảo sát của mình, hầu như các nhà thầu thi công dù nhỏ hay lớn, trong giai đoạn đầu khi chuyển sang dùng nhôm thì họ luôn chọn giải pháp “thay đổi chậm rãi”.
Nói đúng hơn, họ cho phép nhôm và gỗ song hành cùng nhau trên một công trình. Đó cũng là cách để tập thích nghi với thay đổi và phù hợp với năng lực quản lý, tài chính.
Khả năng thích ứng với nhiều phương án thi công khác nhau là điểm cộng lớn giúp cốp pha nhôm tiếp tục hòa mình vào xu thế phát triển.
Vậy thì, loại hình ván khuôn này đang “vùng vẫy” như thế nào tại Việt Nam?
Tình hình phát triển cốp pha nhôm tại Việt Nam
Du nhập nước ta từ những năm 2010 với sự có mặt của các công ty Hàn Quốc. Cốp pha nhôm dần khẳng định được vị thế của mình. Trở thành giải pháp tin cậy cho các công trình cao tầng.
Nắm bắt được xu hướng phát triển của loại hình ván khuôn này, hàng loạt các công ty trong và ngoài nước cũng tham gia vào cuộc chơi từ những năm 2016.
Mỗi công ty đều có điểm mạnh riêng của mình. Nếu như các công ty Hàn Quốc nổi tiếng với chất lượng hợp kim nhôm. Thì các công ty Việt Nam lại lợi thế ở giá thành sản phẩm.
Một số đơn vị thi công top đầu như Coteccons, Hòa Bình họ còn xây dựng cả công ty vệ tinh. Nhằm tối ưu hóa lượng cốp pha nhôm tồn kho, đã qua sử dụng. Đồng thời có thể tự gia công, sản xuất để cung ứng cho quy mô khép kín.
Để đáp ứng nhu cầu xây dựng tại Việt Nam cũng như các “đòi hỏi” từ đơn vị thi công. Các công ty sản xuất không ngừng cải tiến từ thông số, kích thước đến tính toán, từ phụ kiện đến bản vẽ, tài liệu thi công cốp pha nhôm.
Và họ thậm chí chấp nhận giảm giá và tăng cường các dịch vụ kèm theo.
Giá cốp pha nhôm liên tục bị hạ thấp
Ở đây mình không thể liệt kê chi tiết cho bạn giá thành cụ thể mà các đơn vị đang bán hoặc cho thuê. Điều này sẽ vi phạm nguyên tắc kinh doanh và tạo ra các hiểu lầm không đáng có.
Quả thật, mình cũng không nắm toàn bộ các thông tin về giá cả. Nhưng mình có thể “tiết lộ” cho bạn những thông tin khác.
Đó là các yếu tố tạo nên giá cốp pha nhôm:
- Sự cạnh tranh ở một thời điểm cụ thể
- Mức độ thân thiết giữa các đơn vị
- Thời gian sử dụng và độ khó công trình
- Tỉ lệ cấu kiện tiêu chuẩn, phi tiêu chuẩn
- Giá được tính trên mét vuông cốp pha nhôm cùng thời gian sử dụng nếu thuê
- Các chi phí hỗ trợ lắp dựng, thiết bị máy móc vật tư phụ kèm có thể được tính giá riêng hoặc chung tùy thuộc vào hợp đồng
- Khi báo giá cốp pha nhôm, có thể có hoặc chưa bao gồm giá phụ kiện
- Phụ kiện thường chiếm khoảng 5-15% giá cốp pha nhôm.
Xu hướng thuê cốp pha nhôm tăng cao
Nếu mua mới, nhà thầu phải tự thu gom, vệ sinh bảo trì. Đòi hỏi cần phải quản lý giám sát và phát sinh các chi phí về kho bãi. Chưa kể khối lượng thất thoát hư hỏng.
Trong khi đó thuê, giá thành rẻ hơn rất nhiều. Có thể tiếp tục thuê cho công trình sau để giảm đơn giá. Công tác bảo trì, kho vận đều do đơn vị cung cấp chịu trách nhiệm.
Do vậy, có thể khẳng định rằng cho thuê là xu hướng mới tại Việt Nam.
Thi công nhà cao tầng phổ biến bằng ván khuôn nhôm
Nếu bạn đã đọc qua bài giải pháp cốp pha nhôm 2019 mình đã giới thiệu. Thì bạn cũng dễ dàng nhận thấy, hơn 70% các công trình cao tầng hiện nay đều được thi công bằng cốp pha nhôm cùng các hình thức liên quan.
Bên cạnh đó, các đơn vị thi công top đầu như Hòa Bình, Coteccons đã sử dụng cốp pha nhôm cho cả các công trình biệt thự, nhà ở liền kề.
Do mức độ cạnh tranh để khẳng định vị thế giữa các đơn vị. Họ luôn phải tìm ra biện pháp thi công tối ưu nhất để nâng tầm ảnh hưởng của mình. Có thể, ở thời điểm hiện tại, cốp pha nhôm là giải pháp số 1 giúp họ thể hiện bản lĩnh.
Cốp pha nhôm trỗi dậy cùng Vincity
Cuối năm 2018, chúng ta chứng kiến Vincity khởi động. Cũng là lúc mọi “ánh nhìn” đều tập trung vào biện pháp thi công của nó.
Những tòa tháp lần lượt mọc lên và được định hình bằng bộ đôi ván khuôn nhôm gang form.
Sử dụng gần như toàn bộ cho chuỗi dự án trọng điểm của tập toàn lớn nhất đất nước này. Là minh chứng hùng hồn nhất cho xu hướng phát triển và lợi thế cạnh tranh của cốp pha nhôm.
Giai đoạn phồn thịnh này có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong 1 đến 2 năm tới. Còn về sau thì thế nào, khó ai mà biết trước được.
Hay là chúng ta thử dự đoán tương lai của cốp pha nhôm tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Xin trình bày trước quan điểm của mình.
Cốp pha nhôm có tiếp tục khởi sắc trong tương lai?
Khi xu hướng của loại hình ván khuôn này phát triển “đạt đỉnh”, cũng có lúc nó phải dậm chân ở “ngưỡng lưng chừng” hay thậm chí “chạm đáy”. Đó là quy luật tất yếu.
Vậy những nguyên nhân nào làm cốp pha nhôm ở mức lưng chừng và chạm đáy?
Theo mình có mấy yếu tố:
- Thị trường bất động sản bị bão hòa. Chu kì lặp lại của bong bóng bất động sản.
- Các chế tài của pháp luật về xuất nhập khẩu, sản xuất hợp kim nhôm.
- Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các đơn vị.
- Sự xuất hiện của các đối thủ nặng ký.
Theo một số thông tin bên lề, các công ty sản xuất cốp pha nhôm hàng đầu thế giới đang nhòm ngó thị trường Việt Nam. Không ai xa lạ, đó chính là những “người anh em láng giềng” Trung Quốc.
Trên mảnh đất quê hương, họ đang “cung thừa việc thiếu”. Nên phải tìm lãnh địa mới để tiếp tục sinh tồn. Và họ cũng tuyên bố rằng Việt Nam là nơi “đất lành chim đậu”.
Mình có giới thiệu một số điểm khác biệt của ván khuôn nhôm Trung Quốc ở bài viết này bạn có thể đọc qua.
Chúng ta không lạ gì mấy anh chàng “tàu khựa”. Nói được làm được. Còn bằng cách nào, khó mà biết.
Một khi họ quyết tâm san bằng thị trường cốp pha nhôm Việt Nam, chính là lúc “chạm đáy”. “Đỉnh mới” sẽ được tạo trong vài năm sau đó.
Đồng thời, sự phát triển của biện pháp thi công hiện đại ở các nước phương Tây đã ảnh hưởng ít nhiều đến chúng ta. Hội nhập và phát triển là lẽ đương nhiên.
Sẽ không ai ngờ rằng, trong vòng không đến môt thập niên nữa, Aluminum formwork sẽ được thay thế hoàn toàn bằng một trong các hình thức khác như: Table or flying form systems, Tunnel forms, Climbing formwork, Flexible formwork, Cassette formwork, Plastic formwork.
Lời kết
Với những chia sẻ trong bài viết này mình hi vọng có thể sâu chuỗi lại gần như toàn bộ kiến thức về cốp pha nhôm. Từ những khái niệm cơ bản đến các thông tin về tình hình phát triển ở nước ta.
Phần nào đó giúp bạn có thể định hình được những gì cần biết về loại hình ván khuôn được cho là số 1 Việt Nam này.
Bạn đã có câu trả lời cho mình chưa? Hay bạn còn ý kiến nào khác?
Hãy cho mình biết bằng cách để lại comment bên dưới. Chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận.
Thế Anh:
nguồn: coffanhom.com