Đôi nét về thanh định hình nhôm và hợp kim nhôm
Nhôm là kim loại mềm, nhẹ, có màu trắng bạc với ánh kim mờ, có khả năng chống ăn mòn và bền vững (nhờ lớp oxit ở ngoài cùng bảo vệ). Nhôm không nhiễm từ và không cháy khi ở ngoài không khí (nhiệt độ thường), dễ uốn và dễ gia công. Trong điều kiện tự nhiên, không thể tìm thấy nhôm tinh khiết mà chỉ có thể tìm thấy oxit nhôm hoặc các loại hợp kim nhôm.
Nhờ sự vượt trội cả về thuộc tính (cách âm, cách nhiệt, nhẹ, chịu lực tốt) lẫn tính kinh tế (sản lượng nhiều, giá thành rẻ), nhôm và hợp kim nhôm được sử dụng nhiều trong cuộc sống, đặc biệt là vật liệu xây dựng với sản phẩm thanh định hình nhôm và hợp kim nhôm phổ biến nhất hiện nay.
Mặt cắt ngang của thanh định hình nhôm và hợp kim nhôm
Nhôm thanh định hình (còn được biết đến với nhiều tên gọi như thanh nhôm profile, máng nhôm định hình…) là loại vật liệu được làm từ nhôm đã qua xử lý kim loại, gia công áp lực, chế tạo bằng công nghệ ép đùn.
Sản phẩm này có mặt cắt ngang không thay đổi dọc theo toàn bộ chiều dài, hình dạng này thay đổi tùy vào mục đích sử dụng (cho nhôm kính, ray vách, máng đèn, khung cửa…).
Chứng nhận hợp quy thanh định hình (profile) nhôm và hợp kim nhôm theo QCVN 16:2019/BXD
Thanh định hình (profile) nhôm và hợp kim nhôm nằm trong danh mục bắt buộc chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy của Bộ xây dựng. Chính vì vậy, các đơn vị nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thanh định hình nhôm và hợp kim nhôm cần làm giấy chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy trước khi lưu hành sản phẩm này trên thị trường.
Đối với các trường hợp sản phẩm thanh profile nhôm và hợp kim nhôm lưu hành trên thị trường không có chứng nhận hợp quy, mức phạt tiền có thể lên tới 30.000.000 – 40.000.000 VNĐ.
► Tìm hiểu thêm về nhôm định hình
Tài liệu viện dẫn
- TCVN 12513-1:2018, Nhôm và Hợp kim nhôm gia công áp lực – Que/Thanh, Ống, và sản phẩm định hình ép đùn – Phần 1: Điều kiện kỹ thuật cho kiểm tra và cung cấp
- TCVN 12513-2:2018, Nhôm và Hợp kim nhôm gia công áp lực – Que/Thanh, Ống, và sản phẩm định hình ép đùn – Phần 2: Cơ tính
- TCVN 12513-7:2018, Nhôm và Hợp kim nhôm gia công áp lực – Que/Thanh, Ống, và sản phẩm định hình ép đùn – Phần 7: Thành phần hóa học
- TCVN 197-1:2014, Vật liệu kim loại – Thử kéo – Phần 1; Phương pháp thử ở nhiệt độ phòng
Chỉ tiêu kỹ thuật
- Độ bền kéo
- Độ giãn dài nhỏ nhất
- Thành phần hóa học
Phương thức chứng nhận hợp quy
Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất.
Áp dụng với cơ sở sản xuất trong nước hoặc nước ngoài đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn 9001
Giấy chứng nhận hợp quy theo phương thức này có hiệu lực không quá 3 năm. Giám sát hàng năm thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.
Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa.
Giấy chứng nhận hợp quy theo phương thức này chỉ có giá trị cho lô sản phẩm, hàng hóa.
Lợi ích khi chứng nhận hợp quy nhôm
Các đơn vị thực hiện chứng nhận hợp quy nhôm, hợp kim nhôm không chỉ vì đó là yêu cầu bắt buộc mà còn vì những lợi ích mà nó mang lại.
Tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm
Rất rõ ràng, trong khi có rất nhiều sản phẩm thanh định hình nhôm, hợp kim nhôm tương tự nhau trên thị trường, người ta sẽ ưu tiên lựa chọn sản phẩm có chứng nhận hợp quy. Càng ngày, vấn đề chất lượng càng nhận được nhiều sự quan tâm hơn và giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm có thể khiến người tiêu dùng an tâm về vấn đề này.
Ngoài ra, chỉ những sản phẩm có giấy chứng nhận hợp quy mới có thể tham gia đấu thầu, có cơ hội được sử dụng tại các công trình lớn và được nhiều người biết đến hơn.
Cơ hội xây dựng thương hiệu
Cung cấp sản phẩm thanh định hình nhôm và hợp kim nhôm được chứng nhận, công bố hợp quy giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, uy tín với đối tác và người tiêu dùng.
Ngoài ra, chứng nhận hợp quy còn là công cụ để các cơ sở sản xuất duy trì tính ổn định chất lượng sản phẩm và kiểm soát quá trình sản xuất một cách toàn diện.
Nhận được chính sách ưu đãi
Theo quy định, các sản phẩm đã được chứng nhận, công bố hợp quy có thể xem xét áp dụng biện pháp miễn kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu. Giấy chứng nhận hợp quy cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý, cơ quan có thẩm quyền dễ dàng hơn trong việc quản lý và áp dụng các biện pháp miễn giảm theo đúng quy định. Điều này giúp doanh nghiệp nhập khẩu thanh profile nhôm và hợp kim nhôm tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí.
Quy trình chứng nhận, công bố hợp quy thanh định hình nhôm và hợp kim nhôm
Bước 1: Đăng ký chứng nhận hợp quy
Cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu chứng nhận hợp quy nhôm định hình đăng ký chứng nhận hợp quy với tổ chức chứng nhận được Bộ xây dựng chỉ định.
Tổ chức chứng nhận sẽ trao đổi, tư vấn cho khách hàng về thủ tục, báo giá và ký hợp đồng.
Bước 2: Đánh giá sơ bộ
Tiến hành đánh giá sơ bộ về tài liệu khách hàng cung cấp, điều kiện thực tế tại cơ sở…
Đơn vị khắc phục những điều không phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật đánh giá được chỉ ra (nếu có)
Bước 3: Đánh giá hợp quy
Tiến hành đánh giá hợp quy thanh định hình (profile) nhôm và hợp kim nhôm theo phương thức phù hợp.
Bước 4: Cấp giấy chứng nhận
Sau đánh giá, tổ chức chứng nhận sẽ thẩm xét hồ sơ, đánh giá kết quả. Nếu kết quả đánh giá đạt điều kiện sẽ cấp giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm.
Bước 5: Công bố hợp quy
Sau khi nhận giấy chứng nhận hợp quy, đơn vị kinh doanh chuẩn bị hồ sơ công bố hợp quy tại Sở xây dựng tỉnh, thành phố nơi đăng ký kinh doanh.
Thế Anh
nguồn: Chứng nhận hợp quy thanh định hình (profile) nhôm và hợp kim nhôm (tqc.vn)