Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã khiến không ít quốc gia phải lao đao, trong đó có cả Trung Quốc khi ngành xuất khẩu của nước này bị tụt giảm mạnh. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng đề ra kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng ồ ạt. Chẳng mấy chốc, quốc gia đông dân nhất thế giới này đã trở thành một “công xưởng khổng lồ” nhờ vào gói hỗ trợ tài chính lên đến 586 tỷ USD.
Cùng với than đá, thép, hóa chất, lọc dầu ngành sản xuất nhôm hệ tại Trung Quốc đã có giai đoạn bùng nổ chưa từng có. Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Kim loại màu Trung Quốc, chỉ trong vòng 3 năm (từ năm 2011 đến năm 2014), tổng sản lượng nhôm Trung Quốc đã tăng đột biến từ 5,7 triệu tấn lên 23,38 triệu tấn (tính đến tháng 7/2014). Cũng theo kết quả nghiên cứu từ trang World Aluminium, tính đến tháng 2/2017, Trung Quốc chiếm đến 54,41% tổng sản lượng nhôm thế giới.
Nhà máy Nhôm Xingfa – Quảng Đông – Trung Quốc
Những năm 2014 – 2017, nhờ chính sách “bảo hộ” từ chính phủ, các doanh nghiệp Trung Quốc thuận lợi hơn trong việc đầu tư sản xuất, khiến dư thừa công suất và sản phẩm thừa thãi ngày một tăng cao. Điều này đã khiến cho sức ảnh hưởng của nhôm Trung Quốc tăng mạnh trên thị trường quốc tế.
Thị trường nhôm hệ Việt: Thất bại ngay trên “sân nhà”
Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi “thảm họa” này của nhôm Trung Quốc trước một lượng nhôm giá rẻ khổng lồ của đất nước này đổ sang ồ ạt. Không như các sản phẩm nhôm được sản xuất trong nước vốn phải vượt qua vòng kiểm định gắt gao về nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất và kiểm tra xuất xưởng, nhôm hệ Trung Quốc gần như không phải chịu bất cứ rào cản nào, cứ thế “ung dung” tiếp cận thị trường Việt.
Tồn tại nhiều bất cập là thế, nhưng một số ít nhà nhập khẩu Việt Nam lại coi đó như là một cơ hội để gia tăng lợi nhuận và tìm đủ mọi cách nhập những lô hàng giá rẻ ấy về. Đồng thời, hiện tượng phá giá, hạ tiêu chuẩn chất lượng thành phẩm để cạnh tranh lẫn nhau đã khiến thị trường nhôm hệ Việt giai đoạn 2014 – 2017 rơi vào hỗn loạn. Những nhà sản xuất nhôm hệ Việt khó khăn khi phải duy trì và tồn tại. Các nhà phân phối và đại lý nhôm chân chính khổ sở vì cạnh tranh về giá với nhôm hệ Trung Quốc nhập khẩu. Người chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là người tiêu dùng khi phải nhận lấy những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như không biết khiếu nại từ đâu khi gặp phải sản phẩm kém chất lượng.
Nhôm hệ Trung Quốc được nhập khẩu ồ ạt khiến người tiêu dùng hoang mang.
Năm 2017: Nhôm hệ Việt lại một lần nữa lao đao
Sau quá trình dài tăng trưởng nóng, thúc đẩy sản xuất công nghiệp và kích thích xuất khẩu, nền sản xuất Trung Quốc lâm vào cuộc khủng hoảng thừa trầm trọng. Hơn thế nữa, vấn nạn các nhà máy sản xuất công nghiệp gây tác động tới môi trường và xu hướng cạn kiệt nguồn nhiên liệu kiến cho chính phủ Trung Quốc buộc phải thắt chặt quản lý môi trường. Chính phủ Trung Quốc buộc các nhà máy luyện nhôm không có giấy phép hoặc không đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt phải đóng cửa. Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động giải quyết ô nhiễm môi trường và thanh lọc các ngành công nghiệp làm ăn thua lỗ.
Theo dự báo, trong năm 2017 Trung Quốc sẽ cắt giảm sản lượng từ 3 đến 4 triệu tấn nhôm tương đương với 10% tổng công suất của các nhà máy nhôm Trung Quốc, qua đó làm giảm đáng kể nguồn cung nhôm trên thị trường thế giới. Điều này khiến cho giá nhôm thế giới đã tăng khoảng từ 12 đến 14% từ đầu năm 2017 đến nay.
Nhưng có một sự thật mà ít ai nhận ra rằng nhôm hệ Việt hoàn toàn có khả năng độc lập, cạnh tranh trực tiếp với nhôm hệ Trung Quốc cũng như nhôm nhập khẩu đến từ các nước khác trên chính “sân nhà”. Chỉ cần mạnh dạn đầu tư dây chuyền hiện đại, tiên phong trong việc áp dụng khoa học công nghệ, tập trung vào chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất nhôm Việt sẽ tự tin theo đuổi tham vọng thay thế nhôm nhập khẩu từ nước ngoài, tự đứng vững trong tương lai không xa.
Nhôm hệ Việt hoàn toàn có cơ hội khẳng định thương hiệu trên chính “sân nhà”.
Thị trường nhôm hệ Việt luôn đầy tiềm năng nhưng để tạo dựng chỗ đứng vững chắc, doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng sản phẩm và gây dựng lòng tin từ người tiêu dùng. Nếu không kịp thời chung tay hành động, các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước rất dễ đứng trước nguy cơ đánh mất thị phần vào tay các Cty nước ngoài, mà trong số đó “áp đảo” vẫn chính là doanh nghiệp Trung Quốc.
Từ nay đến nửa đầu năm 2018, giới chuyên gia trong nước dự đoán thị trường ngành xây dựng sẽ tăng trưởng cao. Đây thực sự là cơ hội lớn và càng cho thấy vị trí quan trọng của nhôm hệ Việt đối với sự phát triển chung của ngành vật liệu xây dựng. Các doanh nghiệp sản xuất nhôm hệ Việt được kỳ vọng sẽ tạo ra sự khởi sắc trong thời gian tới.
Nguồn: Vân Phương – Báo Xây dựng !