QUẢN TRỊ NHÂN SỰ NGÀNH CỬA – VÌ SAO ĐAU ĐẦU?

Không phải bây giờ mà đã từ lâu doanh nghiệp cửa luôn đau đầu về bài toán nhân sự. Nguyên nhân chính là:

1- Ngành đặc thù, không có trường lớp đào tạo chính thống nên doanh nghiệp phải tự đào tạo

Thường 1 kỹ sư cơ khí phải mất 2-4 tháng để làm quen với nghề cửa, Công nhân từ con số 0 lên thợ bình thường cũng 6 tháng và muốn thành thợ chính thì con số phải tính bằng năm, Nhân viên kinh doanh thì nếu tuyển người mới coi như mất 2-3 tháng trả lương không công để hiểu sản phẩm và tìm kiếm hợp đồng.

Không giống những ngành lớn như xây dựng/ cơ khí: ông kỹ sư này nghỉ có ông khác thay, ông công nhân này nghỉ có công nhân khác thay, bắt nhịp rất nhanh do được đào tạo kiến thức nền giống nhau.

2- Chu kỳ sản phẩm dài

Điều này đã nói khá nhiều nên nói lại ngắn gọn là: chu trình 1 đơn hàng cửa (phải sản xuất và phải lắp đặt) = nội thất (chỉ sản xuất, không phải lắp đặt) + thạch cao (không phải sản xuất, chỉ lắp đặt). Điều này tác động như thế nào đến nhân lực ngành cửa? Chủ doanh nghiệp thay vì chỉ tập trung 1 mặt trận, nay phải chia làm 3: quản đội sale (hoặc tự đi bán hàng), quản nhà xưởng sản xuất, quản đội thi công hiện trường.

Tất nhiên ông chủ doanh nghiệp cửa cũng chỉ có 24 tiếng/ngày như các chủ doanh nghiệp khác. Phân thân ra nhiều mặt trận thì càng dễ mất kiểm soát, được cái lọ thì mất cái chai. Thậm chí công ty cửa nào mà ông chủ còn phải lo Marketing và R&D nữa thì phải cực siêu mới quản được, thời gian dành cho bản thân và gia đình là rất hạn chế.

Và cũng dễ hiểu về mặt trái nhân sự ngành cửa: sale bán công trình ra ngoài, công nhân làm năng suất thấp hoặc đi đánh quả… mà chủ doanh nghiệp không kiểm soát được là chuyện rất bình thường.

3- Nguồn nhân lực bổ sung ít đi trong khi nhu cầu ngày càng nhiều lên

Điều này tạo ra sự mất cân bằng về cung cầu trong thị trường lao động. Dẫn đến chi phí nhân sự tăng mạnh trong thời gian qua, và sẽ còn tăng phi lý trong thời gian tới.

Câu chuyện về thợ sửa ống nước tại Anh có thu nhập từ 6-7 tỷ vnđ là ví dụ dễ hiểu để vẽ ra “thì tương lai” cho những nhóm ngành nghề dùng nhiều tay chân trong Xã hội. Các doanh nghiệp ở những nước phát triển phải tìm cách đưa công việc tay chân ra nước kém phát triển hơn. “Ngon” cỡ Apple còn không muốn sản xuất tại Mỹ là chúng ta đủ hình dung về việc nhân công đang và sẽ chiếm vai trò quan trọng như thế nào.

Đồ thị về nhân lực ngành cửa VN sẽ khó dần đều như thế.

4- Xu thế phát triển ngành nghề của xã hội (career trend)

Trong bối cảnh nền kinh tế định hướng ưu tiên phát triển ngành nghề công nghệ cao và gắn với internet, thì những nhóm ngành phụ thuộc nhiều đến nhân lực & nhân công sẽ ngày càng bị giảm độ hot.

Ngành Cửa chưa thấy doanh nghiệp nào niêm yết lên sàn chứng khoán, trong khi ngành Nội thất/gỗ thì Trường Thành niêm yết từ 2008, ngành M&E thì cơ điện REE lên sàn cũng đã … 19 năm (năm 2000). Nghĩa là gì? Phản ứng thị trường là câu trả lời chuẩn nhất về nhóm ngành nghề đó có được thị trường đánh giá là hot & tương lai hay không? Nó mà lên sàn thì nhà đầu tư có dám xuống tiền không?

5- Đa số doanh nghiệp cửa thiếu quy trình.

Quy trình là thứ làm cho tổ chức vận hành tự động mà không cần hỏi ai, sai sót xảy ra biết ngay khâu nào để sửa chữa kịp thời.

Không có quy trình thì mọi thứ rất dễ loạn và chắc chắn công ty không thể lớn mạnh. Nhân sự giỏi cũng sẽ ra đi giống như việc 1 cầu thủ ngôi sao sẽ ko thể toả sáng ở 1 đội bóng không có sơ đồ chiến thuật.

Nhân sự giỏi chỉ gắn bó (hoặc thậm chí chỉ xuất hiện) ở Công ty tốt, bài bản.

6- Sản phẩm ngành cửa cấu tạo đơn giản và quá dễ bóc giá vốn

Nghe có vẻ không liên quan đến vấn đề nhân sự, nhưng sự thật lại rất ảnh hưởng. Tại sao lại như vậy?

Ở phân khúc Dự án, chủ đầu tư ngày nay có thể bóc giá vốn bộ cửa trong “1 nốt nhạc”: nhôm, phụ kiện, vật tư phụ, kính, nhân công – quá dễ để lấy thông tin. Nhiều Ban đấu thầu còn breakdown sẵn giá vốn và hỏi nhà thầu muốn lợi nhuận bao nhiêu?! Sản phẩm giá càng rẻ thì cấu tạo càng đơn giản và càng dễ bóc giá vốn. Tương tự, đối với nhân sự của chính các doanh nghiệp cửa, họ lại càng dễ nắm bắt được cấu tạo sản phẩm, chi phí nguyên liệu, cách tạo ra sản phẩm, chỗ bán nguyên liệu và chỗ nào bán … nợ, nên nảy sinh mưu cầu tạo lập sự nghiệp riêng sớm. Bên cạnh việc doanh nghiệp quản lý không tốt về thông tin, sắp xếp công việc giữa các bộ phận/ phòng ban không có tính riêng rẽ/ bảo mật nên điều này càng có cơ hội xảy ra.
Có lẽ chưa có ngành nghề nào có tỷ lệ “khởi nghiệp” nhiều và nhanh như ngành cửa.

P/s: Phân tích vậy không phải để bi quan, mà là để chủ động đối phó với những xu thế sẽ diễn ra cho nghề nghiệp. Khi nào nhu cầu Xã hội còn thì có cơ hội kinh doanh. Ngành cửa nói riêng và ngành xây dựng ở VN nói chung còn nhiều dư địa phát triển. Và kinh tế thị trường thì sẽ tự điều tiết và sắp xếp lại cho bản thân mỗi ngành nghề. Trong một bức tranh u ám thì những nét vẽ tươi sáng sẽ càng trở nên nổi bật.

Một số nhận định và xu thế về quản trị doanh nghiệp ngành cửa trong vòng 2-3 năm tới:

1- Trừ số ít những doanh nghiệp lớn đã xây dựng được bộ khung nhân sự và nền tảng tốt thì không đánh giá ở đây, còn lại với những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ thì nhóm những CÔNG TY GIA ĐÌNH sẽ ổn định hơn, đây là 1 sự thanh lọc tự nhiên.

2- Doanh nghiệp nào có hàm lượng công nghệ thấp, sơ đồ tổ chức cồng kềnh kém hiệu quả sẽ bị tụt lại. Bối cảnh nhân sự 2-3 năm tới khác hẳn 2-3 năm trước, doanh nghiệp không thể nuôi một đội ngũ nhân lực lớn với năng suất lao động trung bình/ thấp (ngành cửa là một trong những ngành bị lãng công nhiều nhất do yếu tố mùa vụ, may đo …).

Muốn nâng cao hàm lượng công nghệ phải cải thiện 2 vấn đề chính là: gia công chế tạo (tăng máy móc để giảm nhân công), và hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào con người ở khâu kỹ thuật sản xuất (nghẽn khâu này là cả chuỗi sau ngồi chơi. Doanh nghiệp phải có công cụ phần mềm giảm bớt/ triệt tiêu điểm nghẽn này. Công cụ phần mềm phải dễ sử dụng, tuyệt đối tránh rơi vào tình trạng phụ thuộc “key person” – con người giữ chìa khóa).

Ở nhiều công ty, nhân viên kỹ thuật và thợ chính là ông trời, vì sao? Thiếu 1 trong 2 ông hoặc thiếu cả 2 ông thì hoạt động khâu sản xuất ngưng trệ hoặc thậm chí “chết lâm sàng”. Hai ông này có thể làm sai hỏng rất nhiều nhưng chủ doanh nghiệp có dám đuổi việc không? Hiếm lắm hoặc thậm chí không dám.

Hàm lượng công nghệ thấp dẫn đến: i- Chi phí nhân lực cao sẽ là gánh nặng khiến doanh nghiệp bị bào mòn và kiệt sức. ii- Tỷ lệ sai hỏng nhiều và cách tổ chức sản xuất không tối ưu ảnh hưởng lớn lợi nhuận của doanh nghiệp.

3- Đổi mới cách quản trị, hoặc là cứ “vừa và nhỏ” mãi! Trên thực tế, rất nhiều chủ doanh nghiệp cửa đi lên từ nghề Cửa, giỏi về chuyên môn nhưng không mạnh về quản trị và marketing. Trong khi doanh nghiệp muốn phát triển đột phá thì chuyên môn sản phẩm là không đủ. doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân sự giỏi, thương hiệu mờ nhạt, sức sống doanh nghiệp phụ thuộc chính vào năng lực cá nhân của chủ doanh nghiệp thì không dễ dàng trở thành đối trọng của những ông lớn đang có trên thị trường.

Bối cảnh xã hội & môi trường kinh doanh thay đổi mạnh mẽ, không thể giữ mãi cách làm cũ. Phải có sự đổi mới về cách xây dựng đội ngũ nhân sự, tiếp cận Khách hàng, xây dựng thương hiệu, lựa chọn đúng phân khúc sản phẩm, lựa chọn đúng thị trường mục tiêu ….

Các tin liên quan

Trả lời